Cơm sấy chà bông là sự kết hợp hoàn hảo giữa sự giòn rụm của cơm sấy, vị mằn mặn của chà bông và vị cay nhẹ của ớt, rất thơm ngon và bắt miệng. Thay vì phải tìm đến các cửa tiệm tạp hóa hay nơi sản xuất để mua, bạn có thể tự làm món ăn này tại nhà một cách đơn giản và nhanh chóng nhưng vẫn đảm bảo hương vị. Hãy theo dõi nội dung bài viết dưới đây để cùng tìm hiểu nhé!
Các nguyên liệu cần thiết
Cơm sấy chà bông được xem là đặc sản của nhiều địa phương như Ninh Bình, Tây Ninh,… và thường được mọi người mua về làm quà trong những chuyến du lịch. Để làm nên món ăn này cần chuẩn bị những nguyên liệu sau (định lượng cho một phần):
- Gạo nếp, gạo tẻ: mỗi loại 125g
- Chà bông: 100g
- Hành lá
- Ớt (ớt quả cắt nhuyễn hoặc ớt bột)
- Các loại gia vị: nước mắm, hạt nêm, dầu ăn, đường trắng, nước cốt chanh
Cách làm cơm sấy chà bông khô nhanh, giòn, đều
Quá trình làm ra món cơm sấy chà bông ngon giòn, hấp dẫn không hề quá khó khăn hay phức tạp, bạn hoàn toàn có thể tự làm tại nhà. Cách làm cụ thể bao gồm các bước sau:
Bước 1: Nấu cơm
Trộn phần gạo nếp và gạo tẻ đã được chuẩn bị lại với nhau, mang đi vo sạch và cho vào nồi nấu chín. Chỉ nên đổ lượng nước vừa sấp mặt gạo và có thể thêm vào một thìa cà phê hạt nêm và một chút dầu ăn để tăng hương vị cho cơm. Sau khi cơm chín thì múc dàn đều ra khay, để hơi nguội. Nên dùng tay để ấn hoặc lăn bằng ly thủy tinh để cơm được ép chặt.
Sau đó dùng màng bọc thực phẩm bọc lại, cho vào tủ lạnh để qua đêm. Điều này sẽ giúp cơm se khô và cứng lại, đồng thời tiết kiệm thời gian sấy.
Bước 2: Tiến hành sấy cơm
Cắt phần cơm đã chuẩn bị ở bước 1 thành từng miếng to khoảng bàn tay hoặc kích thước vừa ăn. Sau đó cho vào lò nướng và bật chế độ sấy từ 30-40 phút với nhiệt độ 100 độ C cho đến khi cơm khô hoàn toàn.
Trường hợp không có lò nướng bạn có thể dùng màng bọc thực phẩm bọc lại và mang phần cơm đã cắt đó đi phơi nắng trong khoảng 1-2 ngày. Thời gian phơi nắng có thể thay đổi tùy vào nhiệt độ, bạn hãy căn chỉnh đúng nhất cho đến khi đảm bảo cơm đã khô.
Bước 3: Chiên cơm
Cho dầu ăn vào chảo (dầu phải ngập mặt cơm cháy) và đun nóng lên, sau đó hạ lửa nhỏ và cho từng miếng cơm và chiên. Chiên cho đến khi miếng cơm vàng đều các mặt thì vớt ra và để ráo dầu.
Bước 4: Chế biến nước sốt
Nước sốt được pha theo công thức với tỷ lệ: 3 thìa canh nước mắm, 3 thìa canh nước lọc, 3 thìa canh đường, 1 thìa cà phê nước cốt chanh, 1 thìa cà phê ớt bột (hoặc ớt tươi cắt nhuyễn). Sau đó khuấy đều hỗn hợp.
Phần hành lá thái nhỏ, bắc chảo lên bếp phi nóng dầu rồi cho hành lá vào. Đợi đến khi hành chuyển qua màu xanh đậm và có mùi thơm thì tắt bếp.
Bước 5: Thưởng thức thành phẩm
Rưới một lớp nước mắm lên bề mặt cơm cháy đã chiên vàng, thêm một lớp mỡ hành rồi rắc chà bông lên phía trên cùng. Như vậy, bạn đã có thể thưởng thức món cơm sấy vừa thơm ngon, vừa giòn rụm do chính tay mình chế biến.
Lưu ý khi bảo quản cơm sấy chà bông
Để cơm sấy vẫn giữ được độ giòn, thơm và lâu không bị ỉu thì nên lưu ý một số điều sau đây khi bảo quản:
- Chỉ cho cơm vào túi hoặc hộp để bảo quản khi cơm đã nguội hẳn, nếu không cơm sẽ bị hấp hơi và nhanh ỉu.
- Cho nước sốt vào hộp kín vào bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh.
- Khi sử dụng có thể mang cơm ra chiên lại hoặc cho vào lò vi sóng trong 15-20 giây công suất mức trung bình để cơm giòn.
- Bọc kín túi hoặc đậy nắp hộp khi không dùng hết, tránh tiếp xúc ánh nắng trực tiếp.
Lời kết
Nếu bạn là một người yêu thích cơm sấy chà bông thì hãy lưu lại ngay cho mình cách làm vừa đơn giản lại mang đến thành phẩm thơm ngon, giòn rụm này nhé! Hy vọng những chia sẻ trên đây của chúng tôi đã giúp bạn làm phong phú thêm cẩm nang nấu nướng để có thể tự tay chuẩn bị cho bản thân và người thân yêu những món ăn ngon.
Có thể bạn quan tâm
+ Hướng dẫn cách làm nui sấy khô bò tại nhà đảm bảo ăn là ghiền
+ Cuối tuần nấu phở đãi cả nhà cực nhanh, cực đơn giản
+ Bạn có biết Gia Lai nổi tiếng với món gì?